CẦN GÌ TRONG HỒ SƠ DU HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ?

Bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ tiếng Anh hay bài luận, cam kết tài chính… là những thành phần quan trọng cho bộ hồ sơ du học Mỹ.

Theo cuốn “Vì sao đi du học ở Mỹ”, tóm tắt từ bộ sách tương tự do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành, tùy theo trường đại học, ứng viên cần chuẩn bị bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ năng lực tiếng Anh (TOEFL, IELTS, PTE…), bài luận, hoạt động ngoại khóa, tuyển tập mẫu – portfolio và các biểu mẫu tài chính.

Bảng điểm

Bảng điểm gồm thông tin về các môn học ở bậc trung học phổ thông, cao đẳng hoặc đại học, thời gian bạn đã học những môn đó và điểm từng môn. Tại Triển lãm du học Mỹ 2022 ở Hà Nội hôm 4/10, ông David J. Wivell, đại diện tuyển sinh của Học viện Công nghệ Rochester, bang New York, cho rằng bảng điểm giúp hội đồng tuyển sinh thấy được năng lực học tập và thế mạnh của ứng viên.

Ông cho biết trường sẽ xem các em đến từ trường nào và xét điểm số của học sinh ở các môn học. Với những em học chương trình AP (Advanced Placement) hay chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate – IB), trường sẽ cân nhắc giữa một em có điểm cao nhưng ở các môn dễ với em đạt điểm khá ở các môn khó hơn để lựa chọn cấp học bổng.

Thư giới thiệu

Cùng với bảng điểm, ứng viên thường được yêu cầu nộp ít nhất hai thư giới thiệu. Những người viết thư giới thiệu phải có khả năng viết về công việc của bạn và đánh giá tiềm năng bạn sẽ học tập tốt ở trường đại học. Ông David nói bức thư mà người viết làm nổi bật được điểm mạnh của học sinh ở trường trung học sẽ gây ấn tượng.

Các bài thi chuẩn hóa

Đến từ quốc gia không nói tiếng Anh, du học sinh luôn được yêu cầu chứng minh năng lực tiếng Anh đủ để học tập ở Mỹ. Tại triển lãm du học Mỹ, Học viện Công nghệ Rochester cho biết yêu cầu IELTS tối thiểu 6.5, TOEFL 550 hoặc TOEFL iBT 79; Đại học Drexel yêu cầu IELTS 7.5… Ngoài IELTS và TOEFL, Đại học Nebraska Lincoln còn chấp nhận điểm bài thi Duolingo (100).

Đại diện một trường đại học tư vấn cho học sinh Việt Nam tại Triển lãm du học mùa thu 2022 chiều 7/10 ở Thái Nguyên. Ảnh: Trung tâm du học EcoValley

 

Một số trường có thể yêu cầu điểm SAT (Scholastic Assessment Test – bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic) hoặc ACT (American College Testing – kỳ thi được chuẩn hóa của Mỹ). Mục đích của bài thi SAT và ACT là đánh giá mức độ sẵn sàng bước vào đại học của một học sinh trung học phổ thông. Điểm bài thi sẽ được xem xét cùng với các tài liệu khác mà ứng viên nộp cho trường.

Với bậc sau đại học, bài thi GRE (The Graduate Record Examination) được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trừ Y, Dược, Luật. Bài thi GMAT (Graduate Management Admission Test) được đặc biệt thiết kế cho việc tuyển sinh vào các chương trình sau đại học trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị.

Không phải tất cả trường hay chương trình nào ở Mỹ cũng yêu cầu phải có điểm các bài thi chuẩn hóa này. Ứng viên cần theo dõi thông tin trên website chính thức của trường.

Bài luận

Hồ sơ xin học với chỉ toàn điểm và các con số không giúp trường hiểu được nhiều về con người ứng viên. Vì thế, các đại học muốn tìm hiểu sinh viên tương lai qua bài luận đại học hoặc sau đại học. Qua bài luận cá nhân, các cán bộ tuyển sinh sẽ đánh giá được kỹ năng viết, khả năng học thuật, kỹ năng tổ chức, lý do nộp đơn vào trường và lý do chọn ngành học của thí sinh. Nhiều trường đại học thiết kế câu hỏi cho bài luận cá nhân để đánh giá liệu thí sinh có một số phẩm chất nhất định mà trường tìm kiếm hay không.

Với chương trình sau đại học, bài luận cá nhân giúp hội đồng tuyển sinh đánh giá mức độ phù hợp giữa thí sinh với khoa hay trường. Ứng viên được khuyên viết một bài luận mạch lạc, súc tích và có tính thuyết phục, thể hiện rõ quan điểm và nguyện vọng của bạn.

Hoạt động ngoại khóa

Ngoài học thuật, các trường còn muốn hiểu về ứng viên qua các hoạt động ngoại khóa. Hầu như mọi thứ bạn làm bên ngoài lớp học đều có thể tính là hoạt động ngoại khóa. Ông Joshua H. Jaquins, Đại diện tuyển sinh Đại học Drexel, ở Philadelphia, bang Pennsylvania, cho biết các trường đại học không chú trọng hoạt động nào cụ thể mà cần biết bạn đã đảm nhiệm việc gì và có thành tích gì trong các hoạt động bạn tham gia.

Riêng với những ứng viên nộp hồ sơ vào các trường nghệ thuật, tuyển tập mẫu – portfolio là thành phần không thể thiếu. Portfolio là một tuyển tập mẫu thể hiện tài năng sáng tạo và loại hình sáng tạo mà bạn quan tâm. Tuyển tập mẫu có thể bao gồm tranh vẽ, ảnh chụp, sáng tác nhạc, thiết kế thời trang, bản vẽ kiến trúc…

Xác nhận tài chính

Bên cạnh đó, hầu hết hồ sơ tuyển sinh của các đại học đều kèm một biểu mẫu gọi là “Bản khai và xác nhận tài chính” hoặc “Bản cam kết tài trợ”. Bố mẹ hoặc người bảo trợ của bạn phải ký vào giấy tờ này, sau đó lấy xác thực của ngân hàng hoặc luật sư. Nếu bạn định nộp đơn xin hỗ trợ tài chính, bạn phải điền và nộp một vài biểu mẫu mà trường sử dụng để xác định nhu cầu về tài chính của bạn, ví dụ biểu mẫu CSS Profile, ISFAA hay FAFSA.

Khi muốn nộp hồ sơ vào nhiều trường, ứng viên có thể sử dụng The Common Application – hệ thống nộp đơn chung gồm hơn 900 đại học thành viên khắp nước Mỹ. Các trường này đảm bảo đơn nộp qua hệ thống chung cũng được xem xét tương đương như đơn dùng biểu mẫu riêng của trường.

Thay vì phải khai cùng một thông tin như địa chỉ, điểm trung bình, các hoạt động ngoại khóa cả chục lần, bạn chỉ cần khai một lần. Bảng theo dõi của hệ thống nộp đơn chung cũng giúp bạn không bỏ sót các tài liệu cần nộp (như thư giới thiệu) và các hạn chót quan trọng.

error: